Những đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa là chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý là một trong những đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp. Trên thực tế, mặc dù có những những dấu hiệu đã đáp ứng đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về điều kiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý, tuy nhiên lại không được pháp luật bảo hộ. Những đối tượng đó được đề cập cụ thể thông qua bài viết sau đây.

Chỉ dẫn địa lý là gì?

Căn cứ pháp lý: Khoản 22 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Ngày nay, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm mang tên gọi xuất xứ hàng hóa, ám chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những cái tên quen thuộc như Champagne, Cognac, Bordeaux,... hay nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, bưởi Đoan Hùng,...là những sản phẩm nổi tiếng và được ưa chuộng ở Việt Nam. Những sản phẩm này dần khẳng định được chất lượng, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và mang lại lợi ích kinh tế vô cùng to lớn, dần trở thành thế mạnh trong việc cạnh tranh trên thị trường.

Theo quy định, chỉ dẫn địa lý được hiểu là các dấu hiệu dùng để chỉ những sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Khái niệm chỉ dẫn địa lý theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam có sự tương thích với Hiệp định TRIPS bởi Việt Nam là thành viên của Hiệp định TRIPS, phải có nghĩa vụ tuân theo quy định của Hiệp định.

Xem thêm Luật công ty 

Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý 

Căn cứ pháp lý: Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2019)

Theo quy định này, gồm có 4 trường hợp không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:

Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam

Trở thành tên gọi chung là như thế nào? Khi một chỉ dẫn địa lý trở thành tên gọi chung, tức là tên gọi của nó vẫn có thể liên quan đến khu vực, địa phương, lãnh thổ sản xuất ra nó, nhưng tên gọi đó không còn có ý nghĩa để chỉ ra rằng sản phẩm đó có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ đó nữa, có thể trở thành tên gọi chung cho một loại hàng hoá. Một trong những đặc điểm của chỉ dẫn địa lý là có tính phân biệt. Tuy nhiên, khi chỉ dẫn địa lý trở thành tên gọi chung, nó sẽ mất đi tính phân biệt đó, không thể có những dấu hiệu để phân biệt nguồn gốc của sản phẩm đó với những sản phẩm khác. Khi bị mất chức năng quan trọng là chức năng phân biệt, sản phẩm đó không còn được bảo hộ dưới danh nghĩa là chỉ dẫn địa lý nữa.





Nếu người tiêu dùng đọc tên sản phẩm đó, liên tưởng ngay đến nguồn gốc địa lý, nơi sản xuất ra sản phẩm thì đó vẫn coi là chỉ dẫn địa lý, còn khi nào người tiêu dùng nhìn thấy tên gọi, chỉ dẫn đó nhưng lại liên tưởng đến đặc điểm, tính chất của sản phẩm, không đoái hoài gì đến nguồn gốc sản phẩm thì chỉ dẫn đó đã trở thành tên gọi chung. Trên thế giới đã có rất nhiều chỉ dẫn gắn với một loại sản phẩm, do sự nổi tiếng và được sử dụng rộng rãi trong thời gian dài nên dần dần đã trở thành tên gọi cho sản phẩm đó. Ví dụ: chỉ dẫn “Champagne” đã bị từ chối bảo hộ ở Việt Nam bởi “Champagne” bị coi là tên gọi thông thường cho một loại rượu vang nổ; hoặc cái tên “Bát Tràng” giờ đây đã trở thành tên gọi chung để chỉ sản phẩm “gốm, sứ”; “Vạn Phúc” trở thành tên gọi chung để chỉ sản phẩm “lụa tơ tằm”

Xem thêm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ       

Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng.

Điều kiện đầu tiên đối với chỉ dẫn nước ngoài nếu muốn được bảo hộ tại Việt Nam là trước tiên chúng phải được bảo hộ ở chính quốc gia mang xuất xứ chỉ dẫn địa lý.

Hiểu một cách đơn giản, khi một sản phẩm không được cấp văn bằng bảo hộ, hoặc không có bất cứ một cơ chế nào để bảo hộ sản phẩm đó ngay tại quốc gia xuất xứ thì làm sao có thể được bảo hộ tại Việt Nam. Bởi chính quốc gia xuất xứ là nơi có thể chứng minh về nguồn gốc sản phẩm, chứng minh về danh tiếng, chất lượng của sản phẩm đó đặc trưng, khác biệt như nào so với các sản phẩm khác, mà chính quốc gia xuất xứ không công nhận sản phẩm đó mang chỉ dẫn địa lý, Việt Nam là quốc gia không nắm bắt được thông tin về nguồn gốc, đặc tính của sản phẩm, không thể tiến hành xác minh những thông tin được cung cấp trong đơn đăng ký bảo hộ có đúng với thực tế hay không thì làm sao có thể công nhận và bảo hộ sản phẩm đó dưới danh nghĩa là chỉ dẫn địa lý.

Đối với chỉ dẫn địa lý có liên quan đến nhãn hiệu

Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa.

Nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đều là đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp và thường rất dễ bị nhầm lẫn. Chúng đều là những đối tượng mang tính chỉ dẫn thương mại nhằm mục đích cung cấp thông tin về xuất xứ, chủ thể kinh doanh. Giống như trường hợp nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên”, nhiều người nghe cái tên vẫn bị lầm tưởng đó là sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Bởi vậy mà nếu một chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ thì rất dễ gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại, người tiêu dùng sẽ không biết phân biệt sản phẩm đó có nguồn gốc từ một khu vực nhất định hay đó là hàng hoá của tổ chức, cá nhân. Việc công nhận một sản phẩm như vậy là chỉ dẫn địa lý cũng dẫn đến rắc rối về sau vì một sản phẩm có hai cơ chế bảo hộ khác nhau. Ngoài ra, điều đó còn gây ảnh hưởng đến phần lợi ích mà sản phẩm đó mang lại.

Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Khả năng người tiêu dùng bị nhầm lẫn có thể xảy ra trong các trường hợp: 

  • Thứ nhất, sản phẩm có sử dụng chỉ dẫn không đúng với xuất xứ thực. Điều này thể hiện ở dấu hiệu được sử dụng trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn của khu vực địa lý khác với xuất xứ thực của sản phẩm. Ví dụ: Tại Hoà Bình, ngoài Cao Phong là vùng nổi tiếng trồng cam thì hiện nay phổ biến các huyện khác như Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ. Nếu các dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc cam ở Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ tương tự, giống với dấu hiệu chỉ dẫn của Cam Cao Phong thì sẽ làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng cam ở các huyện đó có xuất xứ từ huyện Cao Phong.

  • Thứ hai, chỉ dẫn về nguồn gốc của sản phẩm ở khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ này nhưng lại làm cho người tiêu dùng hiểu rằng sản phẩm đó có nguồn gốc từ địa phương khác. Nhiều trường hợp có nhiều khu vực địa lý khác nhau nhưng có cùng tên gọi, đây là trường hợp chỉ dẫn đồng âm được quy định trong Hiệp định TRIPS chẳng hạn như huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An và huyện Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình… Sản phẩm đến từ các địa phương khác nhau nhưng lại sử dụng chỉ dẫn cùng nhau. Dẫn đến việc người tiêu dùng lầm tưởng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Ví dụ “Rioja” là tên của một vùng ở Tây Ban Nha và ở Argentina, cụm từ này áp dụng cho rượu vang được sản xuất ở hai quốc gia này. Như vậy “Rioja” là chỉ dẫn địa lý đồng âm dùng để chỉ dẫn xuất xứ của rượu vang đến từ hai quốc gia khác nhau.

Trên đây là toàn bộ nội dung về những đối tượng không được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Với những quy định này trên thực tiễn khi áp dụng thi hành thì còn mắc phải một số những khó khăn bất cập và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải xem xét đánh giá để có thể đưa ra những chính sách, đề án sửa đổi luật sở hữu trí tuệ sao cho đúng với tình hình thực tiễn.

Xem thêm để biết quyền sở hữu trí tuệ bao gồm?





Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mối quan hệ giữa thuyết phục và cưỡng chế

Vì sao nói phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là mệnh lệnh đơn phương bắt buộc?

Tranh chấp tài sản khi ly hôn đối với vợ chồng được xử lý thế nào?